Thông Tin Nghiên Cứu

                         KẾT QUẢ TUYỂN CHỌN GIỐNG NHÃN XUỒNG                          
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU


1.ĐẶT VẤN ĐỀ
Công tác chọn giống nhãn đã được nhiều nước vùng nhiệt đới và á nhiệt đới quan tâm và đạt được những thành tựu đáng kể. Trung Quốc là quốc gia có nhiều kết quả trong việc nghiên cứu tuyển chọn giống nhãn, đã chọn lọc được trên 10 giống, trong đó một số giống đang thương mại phổ biến như: Đại Ô Viên, Thạch Hiệp, Fuyan, Hắc Long Đỉnh, Hắc Vương, Trữ Lương. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng là cường quốc về cây nhãn với diện tích khoảng 42.000ha, các giống được chọn lọc và thương mại hóa phổ biến như: Ido, Daw, Dang, Chompoo, Biew kiew, Baidum, Haew. Gần đây nghề trồng nhãn ở Thái Lan đã có những bước tiến mới, vươn lên thành nước xuất khẩu nhãn và sản lượng ở nước này đang có sự cạnh tranh mạnh so với một số nước trong khu vực (Tạ Minh Tuấn và ctv, 2005).
Qua đó cho thấy để nhãn Việt Nam nói chung và nhãn xuồng Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng có chỗ đứng vững trên thị trường thì việc nghiên cứu chọn ra những giống có chất lượng ngon nhằm tăng sức cạnh tranh so với nhãn các nước trong khu vực là hết sức cần thiết. Xuất phát từ yêu cầu trên, đề tài “Khảo sát và tuyển chọn giống nhãn xuồng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu” đã được thực hiện từ năm 2005 – 2007. Sau đây là kết quả tuyển chọn giống nhãn xuồng trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu - một trong những nội dung của đề tài nói trên.
2.VẬT LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP
-Vật liệu gồm: Các vườn nhãn xuồng trên địa bàn; phiếu điều tra khảo sát (theo Viện Nghiên cứu Cây ăn quả miền Nam có bổ sung); các dụng cụ phục vụ nghiên cứu: cân, thước, brix kế, máy ảnh.
-Điều tra trên các vùng trồng nhãn xuồng tập trung của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
-Thu thập thông tin từ các Vựa trái cây, Thương lái, Hội làm vườn, Trung tâm Khuyến nông, Trạm Khuyến nông, cán bộ địa phương và nhà vườn trong khu vực.
            -Tham khảo kết quả hội thi cây nhãn giống tốt tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.
-Những cá thể ưu tú được phát hiện qua quá trình điều tra và đạt giải trong hội thi sẽ được ghi nhận, đánh dấu và tiến hành theo dõi, khảo sát thực tế kết hợp phỏng vấn trực tiếp nông dân theo phiếu soạn sẵn qua 2 vụ. 
-Thu thập và khảo sát mẫu quả chín, mỗi cây lấy 30 quả phân bố đều trên tán và đại diện cho mức độ trung bình của cây được khảo sát qua ít nhất 3 vụ trái để khảo sát chất lượng và tính ổn định về chất lượng.
·                        Các chỉ tiêu theo dõi khảo sát cá thể:
-Liệt kê danh sách các cá thể đã tuyển chọn.
-Đặc tính nông học của cá thể: tuổi cây; đường kính thân; tháng ra hoa; tháng thu hoạch, đặc tính chống chịu, mức độ nhiễm sâu bệnh.
-Đặc điểm các yếu tố cấu thành năng suất và năng suất: Trọng lượng trung bình trái; số trái/ chùm trung bình; số chùm quả/cây trung bình; năng suất trung bình.
-Chất lượng trái: Tỷ lệ phần ăn được /trái trung bình; độ brix; độ ráo cơm, tỷ lệ trái hạt tiêu.
-Mô tả một số đặc trưng cơ bản của cá thể tuyển chọn: đặc tính định tính quả (màu sắc vỏ chín; màu sắc thịt trái; cấu trúc thịt trái; hương vị).
(1) Trung tâm Nghiên cứu Cây ăn quả miền Đông Nam bộ
(2)   Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
·                              Các chỉ tiêu tuyển chọn cá thể
So sánh kết quả theo dõi khảo sát của cá thể với trung bình quần thể tương ứng để chọn một số cá thể có nhiều đặc điểm nổi trội. Những cá thể đạt được 1 trong những đặc điểm sau sẽ được tuyển chọn:
            -Năng suất cao và ổn định so với trung bình quần thể hoặc so với đối chứng (tăng > 10% so với trung bình quần thể hoặc so với đối chứng).
-Chất lượng ngon đặc trưng so với trung bình quần thể hoặc so với giống đối chứng, thể hiện 1 trong các đặc điểm sau: vỏ dày, cấu trúc thịt ráo, ngọt, tỷ lệ phần ăn được cao, tỷ lệ hạt tiêu nhiều, hương vị đặc trưng).
-Sinh trưởng phát triển khoẻ mạnh, chống chịu tốt với điều kiện bất thuận, không bị thiệt hại bởi hội chứng chùn đọt (witches’ broom), bệnh thối nâu quả (Phytophthora sp.).

3.KẾT QUẢ KHẢO SÁT VÀ TUYỂN CHỌN
3.1. Vùng trồng nhãn Xuồng tập trung ở Bà Rịa - Vũng Tàu
Bà Rịa - Vũng Tàu có khoảng 3.700ha nhãn, trong đó các địa bàn trồng nhiều nhãn như: Xuyên Mộc (2.526ha); Tân Thành (496ha); Tp. Vũng Tàu (211ha); Đất Đỏ (176ha). Giống nhãn cũng rất phong phú nhưng phổ biến nhất là nhãn Xuồng và Tiêu da bò. Những năm gần đây diện tích nhãn Xuồng tăng nhanh và dần dần thay thế nhóm giống nhãn tiêu da bò. Kết quả điều tra ghi nhận có 3 loại đất trồng nhãn chủ yếu ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu như sau:
-Trên đất cát giồng: Tập trung ở Tp. Vũng Tàu, Xuyên Mộc và các xã ven biển. Chủ yếu là giống nhãn Xuồng. Đa số cây trồng từ hạt. Nhãn Xuồng trên những vùng này thường có tuổi cây lớn và chủng loại giống cũng rất phong phú đa dạng.
-Trên đất xám: tập trung  chủ yếu ở Tân Thành, Xuyên Mộc, Long Điền, Bà Rịa. Giống trồng phổ biến gồm Tiêu da bò, Tiêu lá bầu, Xuồng cơm vàng, nhãn long…  Nhãn Xuồng ở các vườn này được hình thành trong khoảng 6-8 năm trở lại đây, giống trồng chủ yếu là Xuồng cơm vàng, các vườn trồng thường đồng nhất về giống, được đầu tư chăm sóc tốt và thu nhập khá ổn định.
-Trên đất đỏ: Tập trung ở huyện Đất Đỏ, Châu Đức. Diện tích trồng thường phân tán. Giống chủ yếu là nhãn Tiêu da bò, Tiêu lá bầu và nhãn Xuồng. Nhãn Xuồng trên vùng đất này sinh trưởng kém hơn trên các vùng đất khác.
Trong 3 nhóm đất trên thì đất cát giồng ven biển tập trung ở Tp. Vũng Tàu rất thích hợp cho nhãn Xuồng phát triển. Đây là khu vực trồng tập trung giống nhãn Xuồng (hay còn gọi là nhãn giồng cát). Các vườn hình thành từ lâu, trong đó nhiều cây có tuổi hơn 50 năm. Hầu hết các cây được nhân giống từ hạt, một số vườn khi phát hiện có cây ưu tú trong vườn đã ghép chuyển đổi giống trên gốc cũ bằng mắt ghép của cây ưu tú. Do được nhân giống chủ yếu từ hạt trước đây, nên các cây cá thể trong vùng này khá đa dạng, trong đó nhiều cây có đặc điểm tốt cần được khảo sát tuyển chọn và bảo quản.
3.2.Đặc điểm một số giống nhãn trên địa bàn
            Kết quả điều tra đã ghi nhận 14 giống/dòng trong các quần thể nhãn trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Các giống rất phổ biến như: Tiêu da bò, Xuồng Cơm Vàng, nhãn Long đang được trồng nhiều nơi trong khu vực. Có 9 giống/dòng nhãn Xuồng được ghi nhận, trong đó những dòng nhãn xuồng cơm vàng được đánh giá có phẩm chất ngon và nhiều triển vọng như: nhãn cơm ráo, nhãn hạt tiêu vỏ xanh, nhãn hạt tiêu vỏ vàng, nhãn Bao công cần được khảo sát và chọn lọc cá thể ưu tú.
3.3.Thông tin chung về các cá thể tuyển chọn
Từ 82 cá thể nhãn xuồng cơm vàng ưu tú được khảo sát trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đã chọn ra được 8 cá thể nhãn xuồng cơm vàng có nhiều đặc điểm nổi trội về năng suất và chất lượng. Trong đó có 5 cá thể đã đạt giải trong hội thi cây nhãn xuồng giống tốt tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được tổ chức ngày 23/09/2005. Về các dòng nhãn xuồng cơm vàng tuyển chọn có 3 cá thể thuộc dòng nhãn xuồng cơm vàng ráo cơm, 1 cá thể thuộc dòng nhãn xuồng cơm vàng, 2 cá thể thuộc dòng nhãn xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ vàng, 1 cá thể thuộc dòng nhãn xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ xanh, và 1 cá thể nhãn xuồng cơm vàng Bao công. Thông tin về các cá thể nhãn này như sau:
Bảng 3.1. Một số thông tin chung về
các cá thể nhãn xuồng cơm vàng có triển vọng được tuyển chọn
Cá thể 
Tên địa phương
Loại
đất trồng
Gốc
ghép
Tuổi cây
(2005)
XCV66
Xuồng cơm vàng ráo cơm
Đỏ
Tiêu lá bầu
7 năm
XCV02
Xuồng cơm vàng ráo cơm
Đỏ
Tiêu lá bầu
8 năm
XCV26
Xuồng cơm vàng ráo cơm
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
20 năm
XCV27
Xuồng cơm vàng
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
15 năm
XCV30
Xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ vàng
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
10 năm
XCV13
Xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ vàng
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
15 năm
XCV23
Xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ xanh
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
12 năm
XCV32
Xuồng cơm vàng Bao Công
Cát giồng
Nhãn giồng trồng hạt
5 năm

3.4.Đặc điểm nông học các cá thể ưu tú tuyển chọn 
Bảng 3.2. Kết quả khảo sát về đặc điểm nông học và các yếu tố cấu thành năng suất
Và năng suất của các cá thể nhãn xuồng cơm vàng ưu tú được tuyển chọn
Cá thể /
quần thể
Đường kính thân (cm)
Chiều cao cây (m)
Tháng ra hoa (dl)
Tháng thu hoạch (dl)
Trọng lượng quả (g)
Số quả /chùm
Số chùm /cây
Năng suất (kg/cây)
XCV66
9,8
6,8
3
7
22,6±0,6
22±4
131±12
64,5±4,2
XCV02
10,6
7,8
4
8
22,8±0,7
23±4
152±8
72,0±6,4
XCV26
16,2
11,8
5
9
22,5±0,3
24±5
472±9
236,6±11,4
XCV27
15,0
9,6
5
9
22,8±0,2
25±6
384±10
152,7±6,5
XCV30
13,8
10,3
4
8
7,9±0,5
28±4
546±11
108,2±5,7
XCV13
15,2
9,6
4
8
7,8±0,4
27±5
655±14
136,0±7,3
XCV23
14,6
6,5
4
8
8,2±0,3
26±5
760±12
148,5±6,2
XCV32
7,5
4,9
4
8
26,7±0,5
23±5
94±4
48,0±2,0
Các cá thể tuyển chọn đều có trọng lượng quả và số quả /chùm cao hơn so với trung bình quần thể cùng điều kiện khảo sát. Từ đó năng suất cũng cao đạt 48,0kg/cây ở cá thể XCV32 (5 năm tuổi) và cao nhất ở cá thể XCV26 (20 năm tuổi 236,6kg/cây). 
Các cá thể tuyển chọn đều có dạng tán cân đối, sinh trưởng phát triển tốt, thể hiện đường kính thân và chiều cao cây khá cao so với trung bình quần thể. Về thời điểm ra hoa và thu hoạch ít có khác biệt nhiều so với các cây nhãn cùng giống trong vườn.
3.5. Chất lượng quả các cá thể ưu tú tuyển chọn 
3.5.1.Một số chỉ tiêu định lượng chất lượng quả
Bảng 3.3. Kết quả khảo sát một số chỉ tiêu định lượng chất lượng quả
các cá thể ưu tú được tuyển chọn
Cá thể /
Quần thể
Độ Brix
(%)
Tỷ lệ ăn được (%)
Tỷ lệ hạt tiêu (%)
Tỷ lệ nước dịch trong thịt quả (%)
Tỷ lệ trọng lượng vỏ (%)
Độ dày vỏ
(mm)
XCV66
21,8±0,4
62,1±0,8
40±2
31,14
19,37
0,71±0,02
XCV02
21,5±0,3
62,3±0,6
38±3
31,42
19,42
0,70±0,01
XCV26
22,1±0,4
62,5±0,7
30±3
30,14
19,48
0,70±0,03
XCV27
22,8±0,7
62,0±0,5
0
66,52
19,35
0,68±0,04
XCV30
22,3±0,2
61,7±0,3
85±2
29,44
19,43
0,65±0,02
XCV13
22,6±0,4
61,5±0,4
80±2
29,18
19,80
0,67±0,04
XCV23
22,7±0,3
61,8±0,7
90±3
28,12
19,25
0,66±0,03
XCV32
23,5±0,2
60,3±0,5
0
65,45
20,18
0,73±0,04
-Tất cả các cá thể tuyển chọn đều có chất lượng quả ngon và được người tiêu dùng ưa chuộng. Độ Brix từ 21,5-23,5. Tỷ lệ ăn được các cá thể tuyển chọn đều cao trên 60%. Các cá thể XCV30, XCV13, XCV23 XCV66, XCV02, XCV26 đều có tỷ lệ hạt tiêu khá cao so với quần thể cùng điều kiện khảo sát.
-Độ dày vỏ các cá thể tuyển chọn trên 0,6mm. Hai cá thể XCV27, XCV32 có cấu trúc cơm trái khá ráo, các cá thể còn lại cấu trúc cơm rất ráo. Đây là đặc trưng cơ bản của các cá thể tuyển chọn làm cho chất lượng trái giòn, ngon hơn các cá thể nhãn khác.
3.5.2. Một số chỉ tiêu định tính chất lượng quả
Bảng 3.4. Kết quả khảo sát một số chỉ tiêu định tính quả
các cá thể ưu tú được tuyển chọn
Cá thể /Quần thể
Màu sắc
vỏ
Màu sắc
cơm
Độ ráo
cơm
Hương vị
XCV66
Vàng da bò
Hanh vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV02
Vàng da bò
Hanh vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV26
Vàng da bò
Hanh vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV27
Vàng da bò
Hanh vàng
Ráo
Ngon ngọt
XCV30
Vàng da bò
Vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV13
Vàng da bò
Vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV23
Trắng xanh
Hanh vàng
Rất ráo
Ngon ngọt
XCV32
Vàng sáng
Hanh vàng
Ráo
Ngon ngọt
3.5.3. Tình hình sinh trưởng và mức độ xuất hiện một số sâu bệnh hại
Các cá thể tuyển chọn đều sinh trưởng và phát triển tốt, tán lá sum xuê thể hiện tiềm năng cho năng suất cao. Kết quả khảo sát tình hình sâu bệnh hại cho thấy tất cả các cá thể tuyển chọn không bị hội chứng đọt chổi. Các loại sâu bệnh khác như: Sâu đục gân lá, sâu đục quả, bọ xít nhãn; bệnh thối quả có xuất hiện ở một vài cá thể nhưng mức độ gây hại không đáng kể và có thể phòng trừ  được.    
4.KẾT LUẬN VÀ ĐỀ NGHỊ  
4.1.Kết luận  
-Kết quả điều tra khảo sát ghi nhận có 14 giống/ dòng nhãn đang được trồng tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó có 9 dòng nhãn xuồng. Những dòng nhãn xuồng cơm vàng có phẩm chất ngon và nhiều triển vọng như nhãn xuồng cơm vàng ráo cơm, nhãn xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ vàng, nhãn xuồng cơm vàng hạt tiêu vỏ xanh, nhãn xuồng cơm vàng Bao công cần được khảo sát và chọn lọc cá thể ưu tú.
-Kết quả điều tra tuyển chọn từ 82 cá thể nhãn xuồng có triển vọng được khảo sát, đã ghi nhận 8 cá thể nhãn xuồng cơm vàng ưu tú: XCV66, XCV02, XCV26, XCV27, XCV30, XCV13, XCV23 và XCV32 có nhiều đặc điểm vượt trội so với trung bình quần thể về năng suất và chất lượng. Những cá thể này có năng suất cao, chất lượng ngon và ổn định có thể nhân giống trồng trong sản xuất và thay thế các giống cũ kém chất lượng trước đây.
4.2.Đề nghị   
-Đề nghị Sở Khoa học & Công nghệ và Sở Nông nghiệp & PTNT xem xét công nhận cây đầu dòng nhãn xuồng cơm vàng cho các cá thể đã tuyển chọn.  
-Những dòng nhãn đã tuyển chọn cần tiếp tục lưu giữ nguồn gen để làm vật liệu nhân giống và phục vụ cho công tác nghiên cứu lai tạo phát triển giống mới.
-Tiếp tục nghiên cứu kỹ thuật canh tác cho những dòng nhãn đã được tuyển chọn đặc biệt là kỹ thuật canh tác nhằm tạo ra sản phẩm hàng hóa an toàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.Dương Minh, Lê Thị Xua và Nguyễn Thị Xuân Thu, 1996. Kết quả bước đầu điều tra bình tuyển giống cây ăn trái (xoài, nhãn, măng cụt) tại Cần Thơ và Sóc Trăng. Trường Đại học Cần Thơ.
2.Nakasone H. V. and Paull R. E., 1999. Tropical fruits. CAB Internatinal. UK. P: 173 – 206.
3.Nguyễn Minh Châu, Phạm Ngọc Liễu, Nguyễn Ngọc Thi, Phan Đình Pháp, Nguyễn Văn Hùng, Trần Thị Oanh Yến, Lê Quốc Điền và Đào Thị Bé Bảy, 2001. Điều tra, thu thập, bảo tồn, đánh giá và sử dụng nguồn gen cây ăn quả ở miền Nam Việt Nam. Kết quả NCKHCN cây ăn quả. Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Nhà XB Nông Nghiệp TPHCM, 2001. Trang 45-52.
4.Phạm Ngọc Liễu và Nguyễn Văn Hùng, 1999. Chọn giống nhãn ở các tỉnh Nam bộ. Báo cáo hội nghị khoa học năm 1999 – Trung tâm cây ăn quả Long Định.
5.Tạ Minh Tuấn, Đoàn Hữu Tiến và Lương Ngọc Trung Lập, 2005. Kết quả khảo sát thị hiếu, nhu cầu thị trường nhãn tươi ở Đồng Bằng sông Cửu Long. Kết quả NCKHCN cây ăn quả. Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam. Nhà XB Nông Nghiệp TPHCM, 2002. Trang 438-449.
6.Tôn Thất Trình, 2000. Tìm hiểu về các loại cây ăn trái có triển vọng xuất khẩu. Nhà xuất bản nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Tr 25 – 41.
7.Vũ Công Hậu, 1999. Trồng cây ăn quả ở Việt Nam. Nhà xuất bản Nông nghiệp Tp. Hồ Chí Minh. Tr 359 – 372.


                                                                                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

bạn có thể đăng nhập bằng tài khoản yahoo, hoặc google ,hoặc muốn nhận xét không qua đăng nhập vui lòng chọn chế độ "nặc danh" những ý kiến xây dựng sẽ được phản hồi,cảm ơn bạn đã cho ý kiến,chúc bạn được nhiều hạnh phúc...( nguyễn hoàng hải )